Đi giữa mùa hè đỏ rực màu phượng vĩ, ta càng hiểu chính ta hơn. Từ Nữ tướng Lê Chân khai lập trang An Biên xưa, đến những máu xương, mồ hôi của biết bao thế hệ tiếp nối quai đê lấn biển, dựng làng, làm ruộng, chống ngoại xâm, giữ đất…, đã tạo nên một đô thi hướng biển như hôm nay. Nói đến Hải Phòng, mọi người luôn biết đây là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” miền cửa biển đông bắc của đất nước, một vùng đất in đậm dấu ấn chống ngoại xâm trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, của Lê Hoàn năm 981, của Trần Hưng Đạo năm 1288... mà đến nay, các chiến tích đó vẫn còn ghi dấu ở nhiều di tích lịch sử, lưu truyền qua nhiều truyền thuyết dân gian, để lại cho hậu thế nhiều công trình văn hoá, nghệ thuật có giá trị. Cho nên đến Hải Phòng, đặt chân đến đâu cũng có thể bắt gặp các di tích, các lễ hội gắn với những truyền thuyết, huyền thoại về lịch sử oanh liệt của cha ông trên vùng đất này.
Hải Phòng là vùng đất hội tụ đầy đủ khí thiêng sông núi, với những con người anh dũng, sáng tạo và cởi mở, dễ hoà hợp với bè bạn bốn phương. Những người dân từ nhiều miền quê đến sinh sống tại vùng đất cửa biển này đã hình thành nên tính cách kiên nghị, năng động, sáng tạo trong lao động, luôn nhạy bén với cái mới, làm cho người Hải Phòng sớm tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của thời đại trước biến thiên của lịch sử. Tất cả những yếu tố trên đã và sẽ làm cho Hải Phòng trở thành một thành phố văn hóa mang đậm nét đặc trưng của đồng bằng sông Hồng.
Thành phố Hải Phòng, hàng năm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống trên khắp các địa phương như Lễ hội đền phò mã (Đền Dẹo), Hội đình Đồng Lý, Hội đền An Lư, Hội chợ Xưa, Làng Xưa, Hội Phục Lễ, Lễ hội Miếu Thủy Tú, Hội Tát Giang (Hội hát đúm đêm trên sông...) ở Thủy Nguyên; Hội đánh pháo đất, Hội đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội đu xuân, Hội múa rối nước... ở huyện Vĩnh Bảo; Hội đình Dư Hàng, Hội đền Nghè, Hội chùa Phổ Chiếu... ở quận Lê Chân; Hội đình Hạ ở quận Hồng bàng; Hội đình Nhu Thượng, Hội đình Tri Yếu... ở quận An Dương; Hội đền Giải, Hội chợ Giải, Hội Hạ Đôi... ở huyện Tiên Lãng; (Hội đền Hạ Lũng, Hội Ngô Quyền, Hội đền Phú Xá... ở quận Hải An; Hội đền Khả Lãm ở quận Kiến An; Hội chèo bơi, Lễ hội Cát Bà - Hội đua thuyền rồng, Hội Làng cá ở huyện Cát Hải; Hội chùa Vẽ ở quận Ngô Quyền; Hội vật cầu, Hội Minh thề ở huyện Kiến Thụy; Lễ hội chọi trâu ở quận Đồ Sơn; Lễ hội núi voi ở huyện An Lão…và nhiều lễ hội Thành Hoàng làng ở các thôn, xã đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc riêng của Hải Phòng, tạo cho nhân dân có một đời sống tinh thần tốt đẹp, lành mạnh.
Sau nhiều nỗ lực tìm hướng đi riêng, thành phố Hải Phòng chính thức lựa chọn Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là hoạt động quảng bá văn hóa du lịch thường niên vào dịp Hải Phòng được giải phóng (13/5). Năm 2012 Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần đầu tiên được tổ chức với chuỗi các hoạt động cùng diễn ra ở khắp các địa điểm trên toàn thành phố. “Chất liệu” hoa Phượng Vĩ đã trở thành chủ đề, yếu tố chính như các cuộc thi viết thơ, văn về hoa Phượng Đỏ trong học sinh, sinh viên; thi ảnh, tranh đẹp về Hoa Phượng, sáng tác các ca khúc, truyện; chương trình ca nhạc có chủ đề về thành phố và Hoa Phượng, diễu hành mô tô, xe đạp kết nối các điểm du lịch, liên hoan lân - sư - rồng; trình diễn thư pháp … mang một nét văn hóa riêng của Hải Phòng.
Đã trở thành thường niên, cứ đến dịp tháng năm khi những chùm Hoa Phượng khoe sắc đỏ thắm trải dài trên các con đường, cũng là lúc chúng ta hướng về một “đặc sản” văn hóa đặc sắc của Hải Phòng - Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Đây cũng là dịp toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hướng về Ngày Hải Phòng giải phóng 13/5 - Một mốc son lịch sử chói lọi của thành phố. Năm 2025, Hải Phòng tổ chức Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng (13/5/1955 - 13/5/2025), đón nhận danh hiệu Thành phố Anh hùng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ với chủ đề “Hải Phòng - 70 năm niềm tin và khát vọng vươn mình”, cùng với hàng trăm các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trên khắp thành phố. Đây là các hoạt động mang đậm nhiều giá trị văn hóa sâu sắc, vừa truyền thống, vừa hiện đại, biểu tượng văn hóa đặc sắc của thành phố Cảng:
Trước hết, Lễ hội là nơi tôn vinh các giá trị lịch sử và truyền thống dân tộc. Việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày giải phóng thành phố gắn liền với các hoạt động dâng hương tưởng niệm, thăm hỏi và tri ân người có công đã khơi dậy tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, nhấn mạnh ý nghĩa của sự hy sinh và công lao của các thế hệ đi trước. Những hoạt động này không chỉ góp phần giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, mà còn giữ gìn nét đẹp đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, Lễ hội thể hiện rõ nét giá trị cộng đồng và tinh thần đoàn kết. Sự tham gia của đông đảo nhân dân, với hơn 30 khối diễu hành đại diện cho các ngành nghề, đoàn thể, không chỉ tạo nên một không khí tưng bừng, rộn ràng mà còn là biểu tượng của sự gắn kết xã hội. Đây là dịp để mỗi người dân Hải Phòng thể hiện niềm tự hào về quê hương, góp phần củng cố tinh thần cộng đồng - yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một đô thị văn minh và phát triển bền vững.
Thứ ba, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ cũng là không gian thể hiện rõ giá trị nghệ thuật và sức sáng tạo. Chương trình nghệ thuật chủ đề “Hải Phòng – 70 năm niềm tin và khát vọng vươn mình” được dàn dựng công phu, kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại đã tạo nên một bức tranh sống động, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa khẳng định tinh thần đổi mới, sáng tạo của thành phố trẻ trung và hội nhập.
Thứ tư, Lễ hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Hải Phòng đến với cả nước và bạn bè quốc tế.
Thứ năm, Lễ hội mang giá trị giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Qua các hoạt động tưởng niệm, biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, lễ hội giúp thanh thiếu niên hiểu hơn về lịch sử địa phương, trân trọng giá trị truyền thống và khơi dậy trách nhiệm xây dựng, phát triển thành phố. Từ đó, hình thành một lớp thanh niên Hải Phòng năng động, bản lĩnh và đầy khát vọng vươn lên.
Qua hơn 10 năm tổ chức, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ không chỉ là ngày hội của thành phố, mà còn là điểm hội tụ của các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và tinh thần thời đại. Trong hành trình phát triển của mình, Hải Phòng đã và đang sử dụng sức mạnh mềm từ văn hóa để xây dựng bản sắc riêng, khơi dậy niềm tin, tạo động lực phát triển và kết nối cộng đồng – những yếu tố quan trọng làm nên sức sống bền vững của một đô thị hiện đại.
Cửa Biển
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng - Thành phố Anh hùng. CTTĐTTP;







