Những người đọc và học lịch sử nước nhà, không thể quên được vào những ngày này cách đây 50 năm, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta lãnh đạo và thực hiện bước vào giai đoạn “thần tốc, thần tốc” hơn nữa giải phóng Tây Nguyên, tiến tới giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước vào 30/4/1975 lịch sử. 50 năm sau, Đảng lại lãnh đạo đất nước ta bước vào cuộc cách mạng mới – cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để đất nước ta phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xin điểm lại những mốc mốc thời gian và việc trọng đại của cuộc cách mạng mới.
Ngày 1/12/2024, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 (khoá XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy diễn ra. Tại hội nghị rất lớn này, Trung ương Đảng đã công bố 1 phụ lục gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị mà rất nhiều người vẫn còn nhớ như in những cụm từ đầy sức nặng như “kết thúc hoạt động”, “hợp nhất”, “sáp nhập”, “chuyển chức năng, nhiệm vụ”… của nhiều cơ quan ở Trung ương. Những quan điểm “Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã”, “Trung ương không có bộ thì tỉnh lấy đâu ra sở” hay “vừa chạy vừa xếp hàng”… được đưa ra đã phần nào mô tả tính khẩn trương, quyết liệt của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Ngày 24/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có Kết luận 121-KL/TW năm 2025 về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo Kết luận nêu trên thì Trung ương đã thống nhất tinh gọn bộ máy còn 17 bộ ngành và 5 cơ quan trực thuộc. Đồng thời Trung ương cũng đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Và từ 1/3/2025 cả nước đã không thực hiện công an cấp huyện.
Ngày 14/2/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 126-KL/TW về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Một trong những nội dung được quan tâm rất lớn trong kết luận này là nghiên cứu định hướng bỏ cấp huyện, xây dựng cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025. Từ đây, những vấn đề liên quan đến bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Sau Kết luận 126-KL/TW đúng 2 tuần, ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 127-KL/TW với những bước đi còn mạnh mẽ hơn nữa, thời gian khẩn trương hơn nữa. Bộ Chính trị giao Đảng uỷ Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp chậm nhất ngày 9/3/2025.
Điểm chung của các văn bản cực kỳ quan trọng nêu trên vừa thể hiện quyết tâm, quan điểm chỉ đạo của Đảng vừa cụ thể rõ việc, rõ thời gian, xử lý nhiều việc một lúc, vướng mắc thì tháo gỡ, chỉ đạo sau khẩn trương hơn chỉ đạo trước. Sự thay đổi trong xã hội được đẩy lên một tốc độ mới như để phòng tránh khoảng trống, tránh lãng phí, tránh phát sinh những tư tưởng thiếu tích cực làm ảnh hưởng tới sự điều hành xã hội.
Trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra nhanh chóng càng thấy ý nghĩa rất lớn về những nỗ lực thay đổi từng ngày của mỗi người.
Chị T. K. T – một đảng viên vừa xin nghỉ theo diện Nghị định 178-NĐ/TƯ đã tâm sự: “Tôi năm nay quá 50 tuổi, có hơn 30 năm công tác trong các cơ quan của hệ thống chính trị nhưng chưa từng chứng kiến những thay đổi to lớn, nhanh chóng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như mấy tháng qua. Trước những thay đổi nhanh chóng như vậy, mình xin nghỉ để làm việc khác, nhường chỗ cho người trẻ hơn, năng lực hơn, mình tìm việc khác phù hợp với khả năng, điều kiện của mình”.
Anh L. B. Đ công tác tại một cơ quan vừa sáp nhập nói chia sẻ “Tôi vừa quyết định nộp đơn xin nghỉ, xin nghỉ thôi việc, vì chưa đủ số năm đóng bảo hiểm, ra ngoài làm đóng tiếp”. Hiện anh đã bố trí được công việc mới. Như thế cho thấy, trong cuộc cách mạng này cũng rất khẩn trương đối với mọi cá nhân, mọi tổ chức. Chưa khi nào khả năng thích ứng của những người đang hoạt động trong hệ thống chính trị được đặt ra và đòi hỏi cao như hiện nay. Thích ứng trở thành một khả năng quan trọng của mỗi công chức, viên chức và người lao động. Khi môi trường thay đổi nhanh thì rõ ràng ai có năng lực, nhạy bén với cái mới sẽ trụ vững và phát triển.
Không thể tránh khỏi tâm tư, nhất là trước những biến động vừa qua và sắp tới bởi mỗi động thái cải cách đều tác động tới công việc, thu nhập, đời sống của nhiều người. Ở những cơ quan, địa phương phát triển, đội ngũ thường được chuẩn bị tốt hơn. Họ rèn luyện và thay đổi hằng ngày. Trước những biến động của thời cuộc, họ tự tin, bình tĩnh. Đó giống như phần thưởng dành cho những người đã nỗ lực thay đổi từng ngày. Tất nhiên cải cách nào cũng có lực cản. Lực cản đầu tiên thường đến từ những người trì trệ, ngại thay đổi, sợ thay đổi, sợ mất quyền lợi... Họ không tiếp nhận cái mới hằng ngày, ít ham muốn làm cho công việc của mình tốt lên. Cứ thế rồi dẫn đến khó bắt nhịp với công việc thường xuyên chứ chưa nói đến những thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Những ngày qua nhiều người dân trong và ngoài thành phố rất quan tâm tìm hiểu giá nhà ở xã hội, đã có nhiều người tỉnh ngoài đến thành phố Hải Phòng thuê nhà. Chưa hết tháng 3, theo thống kê sơ bộ đã có hàng trăm hộ kinh doanh ở các quận, huyện mở mới đăng ký hoạt động trong lĩnh vực giáo dục theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và đào tạo về dạy thêm học thêm. Đó là những biểu hiện cho sự thích ứng mới.
Theo Kết luận 127-KL/TW, sáp nhập xã, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh thành vẫn sẽ phải làm, tiếp tục làm nhanh chóng. Thành phố Hải Phòng cũng đãng chuẩn bị tích cực để song hành cùng những thay đổi ấy. Chuẩn bị về mặt tâm thế, tổ chức không chỉ là việc của mỗi tổ chức, cơ quan mà phải có sự chủ động của mỗi cá nhân.
Những thay đổi sẽ chưa dừng lại. Hy vọng khi động chạm đến những vấn đề lớn như sửa Hiến pháp sẽ mở đường cho những cải cách sâu rộng hơn không chỉ dừng lại ở bộ máy của hệ thống chính trị và với một tầm nhìn tương lai đủ dài để đưa đất nước phát triển, dân chủ hơn. Tinh gọn bộ máy là một chủ trương vô cùng đúng đắn và như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là “không thể chậm trễ hơn”. Bộ máy gọn nhẹ, tiêu tốn ít ngân sách, nhân dân đồng tình rất cao, tạo động lực để cải cách thể chế, phát triển đất nước. Và, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hay nói “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Cửa Biển